Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này cần giải pháp mang tính dài hạn, nhất thiết không chạy theo mục tiêu ngắn hạn để rồi phải thay đổi chính sách liên tục, dễ gây cảm giác tình thế, đối phó, đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế của chúng ta đang có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng rất khó đạt mục tiêu đề ra nhưng ông lại khẳng định, kinh tế của chúng ta đang bước ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất, xin ông nói rõ về vấn đề này?
|
Ông Phùng Quốc Hiển |
Nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn là thực tế không thể phủ nhận. Chẳng hạn, nhìn ở góc độ tài chính thì thu ngân sách - vốn luôn được xem là công - tơ - mét đo tình hình của nền kinh tế một cách chuẩn xác nhất, thì rõ ràng thu ngân sách những tháng đầu năm nay không cao so với cùng kỳ năm trước và tập trung vào những lĩnh vực không xuất phát từ sản xuất. Tăng thu chủ yếu từ chênh lệch thu – chi của ngân hàng; giá cả dầu mỏ; thu từ đất đai... Hay nhìn ở góc độ tiền tệ, thì từ mức tăng trưởng tín dụng lên đến 31% của năm 2010, đến giờ, chỉ tăng 0,93% sau nhiều tháng tăng trưởng âm, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dựa nhiều vào kênh tín dụng. Bên cạnh đó, điều đáng nói là kênh tín dụng không chảy vào sản xuất mà lại chảy sang lĩnh vực khác như trái phiếu, cho vay liên ngân hàng... Vậy là dòng vốn của ngân hàng đã có biểu hiện đông cứng với sản xuất, trong khi doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn lớn.
Tuy vậy, không phải nền kinh tế không có những kết quả tích cực, và một trong những kết quả tích cực trong đó là kiềm chế lạm phát. Tôi cho rằng nền kinh tế đang bước ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu có dấu hiệu đi lên; nhiều khả năng thời gian tới sẽ sáng sủa trở lại nếu chúng ta có biện pháp tích cực cả bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý mà ông vừa khẳng định liệu có đối lập với mục tiêu kiềm chế lạm phát chúng ta đang kiên trì theo đuổi?
Lạm phát quá cao sẽ gây nhiều quan ngại cho nền kinh tế nhưng cũng phải nói lại, phải có lạm phát thì mới có phát triển được. Lạm phát được ví như dầu bôi trơn cho sự vận hành của cỗ máy kinh tế. Nhưng lạm phát của chúng ta phải là lạm phát có mục tiêu, phải lành mạnh đủ độ cho nền kinh tế. Vì vậy, tôi cho rằng các chính sách nới lỏng tiền tệ hay tài khóa lúc này là cần thiết, nhưng phải hợp lý. Mà muốn có được sự hợp lý thì phải luôn luôn có một tầm nhìn dài hạn. Chúng ta đã từng chứng kiến, cũng chỉ vì thiếu một tầm nhìn dài hạn mà nền kinh tế mới phải trải qua những giai đoạn rất khó khăn. Chính sách của chúng ta không ổn định, mà như nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận xét rồi, với sự không ổn định, đã đưa nền kinh tế ở trong một vòng xoáy luẩn quẩn của lạm phát, suy giảm, lạm phát… Giờ đây, có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn của nền kinh tế là việc không thể không làm, nhưng không nên chạy theo mục tiêu ngắn hạn, thay đổi chính sách liên tục, dễ gây cảm giác tình thế, đối phó mà nên chuyển sang những giải pháp mang tính dài hạn.
Một tầm nhìn dài hạn như trong lĩnh vực ngân sách, theo ông liệu có phải là tích cực tăng thu, giảm chi, thắt lưng buộc bụng chờ qua cơn bĩ cực?
Luôn luôn bảo đảm một nguyên tắc lớn là giữ được sự ổn định, bền vững của ngân sách - đó chính là một tầm nhìn dài hạn. Như Cicero, chính trị gia thời La Mã từng nói rằng: "ngân sách phải được cân đối, ngân khố phải được bồi hoàn, nợ công phải được giảm và người dân phải tự sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ trông chờ vào nhà nước”. Muốn ngân sách được giữ ổn định và bền vững, chúng ta phải dần dần lấy thu để quyết định chi. Chúng ta thực hiện cơ chế vay nợ, nhưng phải tính đến câu chuyện sử dụng hiệu quả vốn vay và khả năng trả nợ thế nào, chứ không thể đi vay bằng mọi giá. Đồng thời, chính sách xã hội, an sinh xã hội phải phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách. Đây là những quan điểm xuyên suốt mà Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đang và sẽ kiên trì theo đuổi.
theo đại đoàn kết